TẦM QUAN TRỌNG CỦA CO2 TRONG HỒ THỦY SINH

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CO2 TRONG HỒ THỦY SINH

Đối với các bạn đã qua giai đoạn đầu làm quen với bộ môn thủy sinh thì chắc hẳn ít nhiều đều cảm nhận được sự cần thiết của một hệ thống cung cấp CO2 cho hồ. Cây trồng ngoài các điều kiện chính như ánh sáng, dinh dưỡng, nhiệt độ thì nồng độ CO2 trong nước phải đủ đậm đặc thì quá trình quang hợp, sinh trưởng mới đẩy lên mức độ cao. Cây thủy sinh sống trong một hồ có đầy đủ dinh dưỡng và ánh sáng thì mới chỉ được coi là “ăn no, mặc ấm”, chỉ khi được bổ sung CO2 thì mới được gọi là “ăn ngon, mặc đẹp”. Ví von như vậy để các bạn phần nào hình dung ra tầm quan trọng của CO2 đối với một hồ thủy sinh hoàn chỉnh.

Có thể tóm gọn vấn đề như sau: không bổ sung CO2, cây thủy sinh vẫn có thể sinh trưởng và phát triển. Khi được bổ sung CO2, chúng sẽ sinh sôi nảy nở nhanh hơn, mạnh hơn và đẹp hơn nữa.

Các phương án bổ sung CO2:

Tỷ lệ khí CO2 hòa tan tự nhiên vào nước là rất ít, thường không đáp ứng được nhu cầu thực tế của cây trồng trong hồ. Trong không khí cũng có CO2, vậy có thể sục không khí vào hồ để tăng cường CO2 không? Thực tế, tỷ lệ CO2 trong không khí chỉ chiếm khoảng 0.03%, quá ít so với các loại khí khác như Nitơ (khoảng 78%) hay Ôxi (khoảng 20%). Do đó khi sục không khí vào hồ thì nồng độ oxi có thể tăng lên rõ rệt chứ nồng độ CO2 sẽ thay đổi không đáng kể.

- Khí thở ra từ con người (thán khí) phần lớn là CO2, nhưng chưa có ai nghĩ ra cách tích trữ thán khí sao cho hiệu quả và tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày. Giống như việc dùng một ống hút và ra sức thổi vào hồ, đây chỉ là một phương án vui mà thôi.

- CO2 dạng lỏng, có hiệu quả nhưng bất tiện khi triển khai, lý do thường gặp là ít ai có thể châm CO2 lỏng đều đặn hàng ngày vào hồ với một lượng nhất định. Việc này cần sự hỗ trợ của một máy bơm định lượng hoạt động theo hẹn giờ (auto dosing pump).

 

- CO2 dạng viên nén, giống như CO2 lỏng, khá bất tiện khi muốn triển khai một cách đều đặn. Các sản phẩm dạng viên nén cao cấp thường có thời gian sủi (tan) chậm hơn so với các sản phẩm ít tên tuổi.

 

=> So với CO2 dạng lỏng (thực chất là C dạng lỏng thì đúng hơn) thì CO2 dạng bình khí nén phổ biến, tiết kiệm và dễ triển khai hơn. Hiện nay, với một bình CO2 khoảng 3kg rất dễ mua bạn có thể sử dụng từ 06 tháng cho tới 18 tháng (tùy hồ). Việc nạp lại khí cho bình cũng rất dễ dàng và thuận tiện (hầu hết tại các cơ sở phòng cháy chữa cháy đều có dịch vụ).

 

Khí CO2 chỉ là “công cụ”

Cấu tạo của một cây thủy sinh hoàn chỉnh có tới 80% là từ C (carbon). Khí CO2 như là “công cụ” để cung cấp C cho cây. Trong quá trình quang hợp cây hấp thụ C và nhả ra O2 như một sản phẩm thừa. Những bong bóng mà các bạn thấy thoát ra từ lá cây chính là oxi.

Các loại CO2 dạng lỏng thật ra là dung dịch chỉ chứa C, không chứa O2. Do đó khi sử dụng CO2 dạng lỏng các bạn thường sẽ không thấy cây nhả bóng khí. Do mất đi một “tín hiệu” nhận biết nên đôi khi các bạn sẽ khó cảm thấy được sự phát triển của cây trồng một cách rõ ràng như khi dùng CO2 dạng khí.

Sử dụng van điện để tiết kiệm CO2 tối đa

 

CO2 được coi như “bùa hộ mệnh”

CO2 có khả năng ức chế rêu hại và giúp người chơi kiểm soát chúng tốt hơn. Thực tế là cây trồng khi được cung cấp đầy đủ CO2 (cùng các yếu tố khác) sẽ sinh trưởng và phát triển mạnh, mức độ hấp thụ dinh dưỡng nhờ đó cũng tăng cao, kết quả là dinh dưỡng thừa trong nước gần như không còn. Đó chính là nguyên nhân khiến rêu hại bị thu hẹp “đất diễn” so với một hồ cùng cấu hình nhưng không có CO2.

CO2 đôi khi cũng có thể “cứu nguy” cho một hồ thủy sinh đang trong giai đoạn tàn lụi, việc cung cấp CO2 kịp thời có thể giúp duy trì hồ thêm một thời gian đáng kể. Tuy nhiên CO2 không phải là tất cả, nó không thể lấn át vai trò của dinh dưỡng và ánh sáng.

CO2 giúp “tô điểm” cho hồ thủy sinh

Một hồ thủy sinh đẹp khi cây trồng trong hồ được đánh giá là phát triển tốt, có sức sống và đặc biệt là màu sắc phải đậm đà. Bên cạnh phong trào sử dụng các bóng đèn màu để đánh lừa thị giác thì CO2 giúp cho môi trường nước trở nên mềm hơn (tương đương với độ pH giảm), từ đó cây trồng dễ dàng hấp thụ sắt hơn để có thể lên màu chuẩn, đậm và đẹp. Nhiều hồ thủy sinh cây trồng không thể lên được màu hoặc không giữ được màu nguyên bản khi đưa vào hồ phần lớn là do thiếu CO2.

Có thể bạn bằng lòng với mức độ phát triển và màu sắc của cây trồng hiện tại nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn sau khi bổ sung CO2 một thời gian.

Một số điểm cần chú ý:

Như đã nói, CO2 chỉ là một trong những yếu tố quyết định đến sức sống và vẻ đẹp của cây thủy sinh trong hồ, vậy nên chúng ta không thể lạm dụng chúng để mong có một hồ thủy sinh đẹp. Việc cân bằng cả 3 yếu tố: dinh dưỡng, ánh sáng và CO2 mới là điều quan trọng nhất.

Không nên “thần thánh hóa” CO2, đặc biệt là trong vấn đề kiềm chế và xử lý rêu hại. Nó chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi, bạn phải nhớ điều đó. Mỗi loại rêu đều có căn nguyên xuất hiện và phát triển, phải tìm hiểu để xử lý tận gốc vấn đề mới là sáng suốt.

Khi lượng CO2 trong hồ quá đậm đặc, các sinh vật trong hồ sẽ bị ngạt, có xu hướng tụ tập gần mặt nước (nơi có lượng oxi lớn hơn). Nếu không phát hiện và xử lý kịp thì chúng sẽ chết. Thường trong trường hợp này thì thay nước là giải pháp nhanh chóng và dễ thực hiện nhất.

Thuận theo tự nhiên, CO2 chỉ nên được cấp vào hồ cùng lúc với ánh sáng để đẩy nhanh quá trình quang hợp. Khi không còn ánh sáng, chúng ta nên cấp oxi cho cây để hỗ trợ cho quá trình hô hấp.

Trên đây là vài điều cơ bản và CO2 và tầm quan trọng của chúng đối với một hồ thủy sinh. Sau cùng, việc quyết định có sử dụng CO2 hay không vẫn là ở bạn. Chúc các bạn sớm có hồ đẹp nhé <3

 

Icon Facebook