TÉP YAMATO (AMANO SHRIMP) là một loài tép cảnh trong suốt có nhiều đốm nâu chạy dọc theo thân tép rất đẹp cho bể thủy sinh của bạn. Không những vậy, tép Amano còn rất hữu dụng trong việc loại trừ rêu tảo hại và giúp cho bể cá cảnh luôn trong sạch.
Loài tép này là bậc thầy về ăn rêu hại, vượt mặt cả ottos và các loại tép khác, đặc biệt là 1 trong số ít loại thích ăn rêu chùm đen, một số có thể ăn được cả rêu đỏ. Dĩ nhiên chúng thích ăn thức ăn công nghiệp hơn là ăn rêu, nên thả số lượng lớn tép trong bể để thấy hiệu quả diệt rêu của chúng.
Phân biệt giống đực cái: Con đực có một hàng chấm cách đều nhau dọc thân, con mái cũng có hàng này nhưng đứt đoạn, nhiều khi là lớn hơn.
Thông tin về tép Yamato:
- Tên gọi khác: Amano Shrimp, Algae-eating Shrimp, Yamato Shrimp, Japonica Shrimp, Algae Shrimp, Japanese Swamp Shrimp, Japanese Marsh Shrimp, Amamoto Shrimp, Yamato Numaebi, Caridina multidentata Amano Shrimp, Algae-eating Shrimp, Yamato Shrimp, Japonica Shrimp, Algae Shrimp, Japanese Swamp Shrimp, Japanese Marsh Shrimp, Amamoto Shrimp, Yamato Numaebi, Caridina multidentata….
- Nguồn gốc: Nhật Bản.
- Độ pH: 6 – 7,5.
- Độ pH lý tưởng: 7,2.
- Nhiệt độ: 15 – 28 độ C.
- Nhiệt độ lý tưởng: 24 độ C.
- Độ cứng nước (dkh): 6.0 – 10.
- Độ cứng lý tưởng (dkh): 8.
- Kích cỡ tối đa: 6 cm.
- Vòng đời: 3 – 4 năm.
- Thai kỳ: 30 ngày.
- Thức ăn: Viên thức ăn cho tép cảnh.
Cách nuôi tép yamato:
- Tép yamato rất thích hợp trong bể thủy sinh. Bể nuôi nên tối thiểu 10 – 19 lít, tiêu chuẩn đẹp là từ 3 – 5 lít 1 con. Nước cần mềm (6 – 10 dH). Chúng rất nhạy cảm với Ammonia và hàm lượng nitrate cao. Nên nuôi chúng trong môi trường bể có lọc tuần hoàn. Chỉ một hàm lượng nhỏ đồng trong nước cũng có thể khiến chúng bị chết. Nên cho ăn các loại thức ăn cho tép chuyên nghiệp. Loài tép này không nhạy cảm với nitrite do chúng đã được thích nghi từ nhỏ.
- Để nuôi dưỡng loài tép này thì không khó, nhưng để chúng đẻ thì yêu cầu nước phải có độ mặn phù hợp (nước lợ). Nuôi đẻ loài tép Amano tương đối khó vì cần chuyển bố mẹ sang bể nước lợ và cho về lại nước ngọt sau khi chúng đã đẻ xong.
- Rất nhiều người chơi tép đã tuyên bố ép đẻ thành công loài này trong môi trường nước ngọt mặc dù không có nhiều bằng chứng. Tỷ lệ thành công được đánh giá là 1% trong môi trường nước ngọt.
- Tầm 1 tháng 1 lần tép sẽ đẻ. Trong thời gian này, tép sẽ tìm chỗ để trốn an toàn để đẻ (nên cung cấp các loại tổ tép). Rất nhiều người nuôi tép nghiệp dư cho rằng, không nhìn thấy tép đâu có nghĩa là chúng là bị ăn hoặc chết mất xác, tuy nhiên sự thật là chúng đang rúc ở đâu để trốn hoặc đẻ và sẽ lại thò mặt ra ở 1 thời điểm nào đó.